Sự kiện
Vinaseed tham gia Hội thảo Quốc tế "Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu"
10/05/2025
Đây là sự kiện nhằm đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp đủ hạt giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với BĐKH, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hội thảo Quốc tế "Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu" diễn ra sáng ngày 9/5 tại Hà Nội, do Tập đoàn PAN (The PAN Group) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Hội giống cây trồng Việt Nam (VSA) cùng tham gia, đã quy tụ hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu đến từ các Tập đoàn, tổ chức trong và ngoài nước.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại sự kiện, Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN nhấn mạnh: "Chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp. Trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, thị trường đòi hỏi cao hơn, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, thì giống – công nghệ giống – chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị. Tập đoàn PAN luôn xác định đây là trọng tâm chiến lược. Và để làm tốt việc này, không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học."
Nữ tướng Vinaseed bày tỏ sự quyết tâm khi áp dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống: "Nếu chỉ có khát vọng mà không có những công nghệ, không có nguồn gen, nghiên cứu cơ bản, thiếu sự liên kết giữa việc nghiên cứu và ứng dụng thì mọi nỗ lực đều không thể thực hiện. Chúng tôi rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học không chỉ ở mức độ chiến lược mà bằng đầu tư cụ thể bằng hành động thực tế".
Ảnh: Chủ tịch Vinaseed đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chọn tạo giống và không ngừng khuyến khích sự chung tay của các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước
Đồng quan điểm, GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Thành viên HĐQT Tập đoàn Vinaseed - khẳng định, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc chọn tạo giống mới. Theo ông, việc ứng dụng AI và công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn tạo giống là hướng đi quan trọng, góp phần tái cấu trúc nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho giống cây trồng Việt Nam.
Hội thảo “Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu” là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ngành giống cây trồng Việt Nam, khẳng định vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu trong thời kỳ chuyển đổi công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, đây cũng là cầu nối bền vững giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu; giữa nghiên cứu cơ bản và nhu cầu thực tiễn sản xuất.
Ảnh: Trong khuôn khổ hội thảo, Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa Học viện và Tập đoàn từ năm 2023 với các nội dung: Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác phát triển quan hệ quốc tế và kết nối đối tác; tài trợ học bổng cho sinh viên.
Ảnh: Ngoài ra, Vinaseed - thành viên của Tập đoàn PAN cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long về hợp tác trong nghiên cứu phát triển, trình diễn và khảo nghiệm giống; nghiên cứu phát triển sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khẳng định sự liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng tại Việt Nam. Dữ liệu thống kê năm 2024 cho thấy, hơn 60% số giống được công nhận do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và đề xuất, khẳng định vị trí then chốt của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp hiện đang áp dụng chủ yếu các phương pháp truyền thống như lai hữu tính và chọn lọc phả hệ đối với giống lúa hoặc tạo dòng thuần, ứng dụng ưu thế lai đối với ngô, rau. Một số đơn vị đã bước đầu kết hợp công nghệ sinh học như lai trở lại và gây nhiễm nhân tạo nhằm cải thiện hiệu quả chọn tạo. Doanh nghiệp có nhiều lợi thế so với khu vực công, bao gồm năng lực tài chính, cơ sở vật chất hiện đại, khả năng định hướng nghiên cứu linh hoạt theo nhu cầu thị trường, khả năng hợp tác với các viện, trường và tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với không ít thách thức do cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, thiếu nguồn gen quý, hạn chế nhân lực có trình độ chuyên sâu, thời gian nghiên cứu dài, chi phí cao, rủi ro do biến đổi khí hậu và thị trường, tình trạng sao chép giống gây ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp.
Vì thế, nhà nước cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giống cây trồng. Trong đó, ưu đãi tài chính, cải cách pháp lý, phát triển hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, nguồn gen tiên tiến. Những chính sách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu giống mới mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và BĐKH.
Với sự tham dự và đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia quốc tế, các nhà quản lý, doanh nghiệp, Hội thảo đã tạo ra những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ trong công nghệ chọn tạo giống cây trồng. Qua đó đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tin Vinaseed